CÔNG TRÌNH XANH LÀ XU THẾ TẤT YẾU

Cụm từ "công trình xanh" hay "green building" đã trở nên phổ biến không chỉ trong giới hành nghề chuyên môn, mà còn cả trong giới đầu tư và các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Tại Việt Nam, khái niệm này mới xuất hiện vài năm trở lại đây, nhưng bản chất của công trình xanh thì không mới, bởi từ hàng trăm năm trước, các yếu tố bền vững đã được áp dụng một cách nhuần nhuyễn trong thiết kế và xây dựng công trình.

Khái niệm không mới

Lấy nhà ở dân gian làm ví dụ, dạng công trình này mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông, đặc biệt là có thể ứng phó rất uyển chuyển với thời tiết thay đổi thất thường. Các yếu tố về khí động học và thông gió cũng được áp dụng hợp lý, nhằm mang lại một môi trường sống thoải mái mà không dùng đến năng lượng (đơn giản vì chưa có điện mà dùng).

Nhờ sợi dây liên hệ giữa quá khứ và hiện tại này mà một giảng viên Bộ môn Kiến trúc, Khoa Xây dựng của Trường đại học Bách khoa TP.HCM, TS. Lê Thị Hồng Na, đã thực hiện luận văn tiến sỹ của mình bằng việc nghiên cứu nhà ở dân gian Bắc Bộ để áp dụng cho các công trình nhà ở cao tầng hiện đại, đạt tiêu chí bền vững.

Mô hình đề xuất căn hộ cao tầng theo thiết kế xanh từ nhà ở dân gian VN

Một ví dụ khác, một công trình nhà ở dân gian của Malaysia, có cấu trúc tương tự nhà rông của Việt Nam, đã đạt chứng chỉ công trình xanh LEED của Mỹ mức cao nhất là Bạch kim. Rõ ràng, tư duy bền vững trong thiết kế công trình không mới. Có chăng là các kỹ thuật thực hiện ngày càng phức tạp, một phần vì thiết bị ngày càng nhiều, giải pháp ngày càng đa dạng và yêu cầu của con người ngày càng cao.

Nhà truyền thống ở Malaysia đạt chứng chỉ LEED mức Bạch Kim

 

Trào lưu công trình xanh chỉ thực sự bắt đầu cách đây hơn 2 thập kỷ, kể từ khi Hội đồng Công trình xanh của Mỹ (USGBC) được thành lập năm 1993. Cơ quan này biên soạn ra các nhóm tiêu chí về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường..., thể hiện trong tiêu chuẩn viết tắt là LEED (Leadership in Energy and Environmental Design).

Kể từ đó, tiêu chuẩn LEED được áp dụng rộng rãi không chỉ cho công trình tại nước Mỹ, mà còn áp dụng tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, có khoảng 50.000 công trình đã và đang thiết kế theo tiêu chuẩn LEED tại Mỹ, khoảng 100 tại Thái Lan và Việt Nam chỉ ở con số khá khiêm tốn là 30 công trình.

Bên cạnh tiêu chuẩn LEED rất phổ biến trên toàn cầu, hầu hết các quốc gia đều có Hội đồng công trình xanh quốc gia và là thành viên của Hội đồng Công trình xanh thế giới. Các Hội đồng này ngoài mục tiêu quảng bá và thúc đẩy công trình xanh phát triển, còn nghiên cứu và ban hành tiêu chuẩn công trình xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của nước mình.

Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) được thành lập năm 2007, sau đó ban hành tiêu chuẩn LOTUS vào năm 2009. Đến nay, đã có hơn 10 công trình tại Việt Nam đã và đang áp dụng tiêu chuẩn này. Một tiêu chuẩn quốc gia khác cũng khá phổ biến tại Việt Nam là tiêu chuẩn Green Mark của Singapore, với trên dưới 10 công trình đã và đang áp dụng. Như vậy, tổng cộng có khoảng 50 công trình xanh tại Việt Nam cho đến thời điểm này – cuối năm 2014.

 

Trào lưu phát triển mạnh mẽ

Vấn đề đặt ra là tại sao trào lưu công trình xanh phát triển mạnh như vậy? Tôi cho rằng, có cả các yếu tố vĩ mô và vi mô góp phần vào xu hướng phát triển ngày càng sâu rộng của công trình xanh trên thế giới nói chung và tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nói riêng.

Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp và tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, các tổ chức quốc tế và các quốc gia chịu ảnh hưởng đã đồng loạt kêu gọi và hành động vô cùng mạnh mẽ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại New York (Mỹ) tháng 9 vừa qua, hàng loạt cam kết được các nhà lãnh đạo đưa ra. Pháp cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Quỹ Xanh, nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai cường quốc của thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng có những cam kết cụ thể hướng đến việc giảm khí thải và bảo vệ môi trường. Một phần của các quỹ này sẽ được giải ngân qua các tổ chức quốc tế ở nước sở tại.

Tại Việt Nam, Tổ chức USAID đang tài trợ và cùng với Bộ Xây dựng nghiên cứu và huấn luyện những kiến thức liên quan đến môi trường và công trình xanh. IFC, một thành viên của Ngân hàng Thế giới, đã tài trợ việc biên soạn và phổ biến Quy chuẩn quốc gia về Tiết kiệm năng lượng, gọi tắt là QCVN 09:2013/BXD. Chính những hoạt động này đã góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức và cung cấp nền tảng cơ bản về môi trường và công trình xanh cho toàn xã hội.

Tuy nhiên, chỉ các yếu tố vĩ mô này thì chưa đủ để các doanh nghiệp hành động dẫn tới trào lưu phát triển mạnh mẽ đến vậy của công trình xanh, mà điều cốt lõi là các doanh nghiệp đã nhìn thấy các lợi ích thiết thực mà họ có được khi đầu tư vào công trình xanh, thay vì một công trình bình thường như lâu nay vẫn làm.

Trước hết, công trình xanh được thiết kế theo tiêu chí tiết kiệm năng lượng và nước rất nghiêm ngặt, dẫn đến việc giảm đáng kể chi phí vận hành. Trung bình, một công trình xanh tiết kiệm được khoảng 20% điện năng và 40% lượng nước sạch so với công trình bình thường. Về lâu dài, công trình xanh sẽ giảm được rủi ro về chi phí vận hành trước việc giá điện và giá nước đều có xu hướng và lộ trình tăng liên tục trong thời gian gần đây.

Cao ốc văn phòng President Place là công trình xanh đầu tiên tại trung tâm TPHCM

 

Đối với công trình dân dụng và thương mại, giá bán và giá cho thuê của công trình xanh đều có xu hướng cao hơn công trình bình thường. Ông Autif Sayyed, đại diện IFC chia sẻ tại Hội nghị Thường niên công trình xanh vừa qua rằng, giá bán trung bình của căn nhà có chứng nhận xanh tại California cao hơn khoảng 9% so với nhà bình thường, còn tại Singapore là 4%.

Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép người nước ngoài mua nhà cũng sẽ tạo nhu cầu nhà ở xanh nhất định cho các công ty bất động sản, vì nhóm khách hàng này luôn đặt tiêu chuẩn cao về môi trường sống.

Trong lĩnh vực sản xuất, các nhà máy đạt chuẩn công trình xanh thường sẽ được ưu tiên nhận đơn hàng hoặc thậm chí tiêu chí bền vững được đánh giá ngang với đơn giá sản phẩm. Theo một tài liệu của Nike, công ty này đánh giá các nhà máy gia công của họ dựa trên 4 tiêu chí, bao gồm chất lượng, đơn giá, thời hạn giao hàng và sản xuất bền vững. Điều đặc biệt là 4 tiêu chí này có trọng số ngang nhau.

Nhà máy Việt Nam Mộc Bài sản xuất giày Nike, đạt cả 2 chứng chỉ LEED & LOTUS

 

Bên cạnh các lợi ích rõ ràng và có thể nhìn thấy được (tangible benefits) nêu trên, công trình xanh còn mang lại cho chủ đầu tư nhiều lợi ích lâu dài và khó có thể cân đong đo đếm được (intangible benefits). Có thể kể đến việc sức khỏe người lao động được đảm bảo, từ đó năng suất lao động cao hơn.

Nếu tính toàn bộ chi phí của một công trình trong suốt vòng đời 50 năm hoạt động và chi phí xây dựng là 1, thì chi phí vận hành gấp 5 lần và chi phí để trả cho nhân viên gấp 150 lần. Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng được thương hiệu và hình ảnh tốt đối với công chúng, qua việc góp phần bảo vệ môi trường rất thiết thực là đầu tư vào công trình xanh.

Dần dà, tôi tin rằng, một ngày không xa, công trình xanh sẽ trở thành một nhu cầu cơ bản và bắt buộc phải vậy, vì chúng ta không còn lựa chọn nào khác dưới áp lực của môi trường đang ngày càng xấu đi và áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt. Như vậy, vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Cũng như bao nhiêu cuộc đua khác, một khi đã là xu hướng tất yếu thì cơ hội sẽ dành cho những ai biết tận dụng và tham gia tích cực từ khi trào lưu mới xuất hiện, còn nếu không, trâu chậm sẽ uống nước đục là lẽ đương nhiên.

  

Đỗ Hữu Nhật Quang – Đồng sáng lập Công ty GreenViet