Lĩnh vực công nghiệp dẫn dầu xu hướng công trình xanh Việt Nam

Xu hướng công trình xanh tại Việt Nam xuất phát muộn hơn các nước trong khu vực. Theo báo cáo "Bản đồ phát triển các bộ quy chuẩn công trình xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả tại ASEAN" do Trung tâm Năng lượng ASEAN thực hiện, công trình xanh chỉ bắt đầu được chú ý phát triển tại Việt Nam từ năm 2010, trong khi các nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Singapore từ năm 2008.

Việt Nam cũng nhanh chóng tăng tốc thiết lập các công trình xanh mới. Theo số liệu của BlueScope công bố tại Diễn đàn kinh doanh miền Trung của Eurocham, nếu giai đoạn 2010-2011 Việt Nam chỉ có hai công trình đạt được chứng nhận công trình xanh thì giai đoạn 2016-2017, đã tăng lên 19 công trình.

Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp đóng góp đại đa số công trình xanh. Nếu xét riêng chứng chỉ LEED, 42% dự án đăng ký chứng nhận trong giai đoạn 2015-2018 đều là các nhà máy sản xuất, theo sau đó là văn phòng (31%) và nhà ở (8%), theo dữ liệu thị trường của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam.

Sách xanh Eurocham con số nhà máy xanh gia tăng xuất phát từ các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam vốn tuân theo luật môi trường nghiêm ngặt. Hai công trình xanh đầu tiên thuộc về hai tập đoàn đa quốc gia là nhà máy Colgate Pamolive với chứng chỉ LEED Bạc năm 2010 và trung tâm kho vận của công ty YCH Postrate Distripark đạt LEED Bạc năm 2011.

Một nguyên nhân khác phải kể đến dòng vốn FDI ồ ạt đổ vào lĩnh vực sản xuất. Chỉ tính trong chín tháng đầu năm 2019, lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo đã thu hút 18 tỉ USD, chiếm 69% tổng vốn đầu tư đăng ký. Vì vậy việc xây dựng các nhà xưởng xanh cũng là chiến lược hiệu quả các chủ bất động sản công nghiệp hướng tới để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Những nhân tố tiên phong tích cực đã dần tạo nên hiệu ứng thị trường khi hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam đã ghi tên các nhà máy của mình vào danh sách xanh, nổi bật phải kể đến công ty thép ATAD, công ty may Đồng Phú Cường, công ty may Canifa. Gần đây nhất ghi nhận công ty giấy CP (CP Paper) đã đạt chứng nhận LEED cho cả văn phòng và nhà xưởng mới. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành giấy và bao bì có được chứng nhận LEED tại Việt Nam.

“Lợi ích chứng nhận này mang lại không đơn thuần là tiết kiệm điện, nước mà người lao động cũng được làm việc trong một môi trường xanh, sạch và đảm bảo an toàn sức khỏe. Đây chính là động lực cho sự phát triển bền vững và tương xứng với những giá trị ban đầu chúng tôi mong muốn, cả về tầm nhìn dài hạn lẫn kết quả cụ thể." - bà Tô Mỹ Châu, tổng giám đốc CP Paper chia sẻ.

Nhà xưởng được xây theo tiêu chuẩn LEED tại CP Paper giúp giảm thiểu điện năng, tăng lượng khí sạch lưu chuyển, từ đó cải thiện môi trường cho nhân viên. Ảnh: CP Paper. 

Tuy vậy nếu xét tổng thể, số lượng công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn: tính đến tháng 12.2018, cả nước mới có gần 2,5 triệu m2 sàn được chứng nhận công trình xanh – tương đương chỉ 4,3% diện tích công trình được xây dựng trong năm 2018.

Sách xanh Eurocham cho rằng hạn chế nằm ở tình trạng thiếu sức ép từ chính phủ. Trong khi tại Indonesia, Philippines và Singapore, pháp luật bắt buộc các công trình xây dựng phải tuân theo các tiêu chuẩn xanh trong nước và quốc tế nhất định thì tại Việt Nam, việc tuân thủ theo các chuẩn công trình xanh như LOTUS, LEED hay EDGE chỉ mang tính tự nguyện.

Một vấn đề khác nằm trong định hướng sử dụng dòng vốn của doanh nghiệp. Đơn cử như ngành dệt may, 80% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, vì vậy năng lực tài chính có hạn. "Tuy nhận thức được tác động của biến đổi khí hậu nhưng họ vẫn phải ưu tiên kinh phí cho đầu tư sản xuất," bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, phó tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ với Forbes Việt Nam. 

"Việc định hướng đầu tưgắn với giảm tác động xấu lên môi trường phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi nhìn vào lợi nhuận sẽ không ai muốn đầu tư, chỉ khi các doanh nghiệp tư duy phát triển dài hạn và bền vững," theo bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà sáng lập và giám đốc của tổ chức môi trường phi chính phủ CHANGE nói với Forbes Việt Nam bên lề sự kiện talkshow Hiểu về ô nhiễm không khí diễn ra trong tháng 10.2019.  

Theo Giang Lê, Forbes Vietnam.